Theo như số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước đang có 3000 nhà chung cư và chủ yếu đang tập trung ở 2 Thành phố lớn của cả nước bao gồm TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên một vấn đề đáng báo động khiến người dân sinh sống tại các khu chung cư cảm thấy bức xúc chính là phần phí bảo trì không được bàn giao, đang trở thành những miếng mồi béo bở cho những kẻ quản lý phần phí đó. Vì thế, cần có chế tài quản lý chặt chẽ để đảm bảo phí bảo trì được sử dụng đúng và bàn giao lại cho người dân.
Phí bảo trì đang trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ quản lý
Theo như thống kê tại Hà Nội, hiện nay có 507 tòa nhà chung cư được đưa vào hoạt động nhưng không bàn giao lại phí bảo trì cho người dân sau nhiều năm sử dụng. Trong số đó, có tới 108 tòa nhà xảy ra những tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Con số lên tới 36% tổng số những vụ mâu thuẫn tranh chấp khi mua bán chung cư và sinh sống tại đó. Tại TP.HCM, con số chiếm 38/1440 vụ tranh chấp cực kỳ gay gắt và cũng chủ yếu liên quan kinh phí vận hành bảo trì chung cư. Thậm chí có những chủ đầu tư còn né tránh việc đóng góp kinh phí bảo trì những phần sở hữu chung khiến cho các vụ tranh chấp không ngừng nghỉ và ngày càng diễn ra gay gắt hơn.

Điển hình của vụ tranh chấp với những người dân mua nhà quận Tân Phú, TPHCM với chung cư Khang Gia Tân Hương. Tính đến nay đã được 5 năm, người dân mua chung cư đã liên tục làm đơn để khiếu nại nhằm lấy lại số tiền phí bảo trì 5.8 tỷ đồng nhưng đến nay chủ đầu tư của chung cư này vẫn chưa chịu trả. Nhưng cho đến khi nhận được văn bản xử phạt của UBND TPHCM thì chủ đầu tư của tòa chung cư này mới đề xuất với ban quản trị trả góp khoảng 300 triệu đồng/tháng cho đến khi trả đủ mới thôi.
Theo như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị của chung cư Khang Gia Tân Hương, cư dân chung cư không đồng ý và đề nghị chuyển hồ sơ sang điều tra để khởi tố hình sự nếu như chủ đầu tư không bàn giao 2% phí bảo trì cho nhà chung cư. Theo như ông Hùng cho hay, việc không bàn giao kinh phí khiến cho vấn đề sửa chữa các trang thiết bị lớn tại tòa nhà gặp nhiều khó khăn. Cư dân chung cư phải tự đóng tiền để sửa chữa.
Hay một chung cư khác tại Bình Tân, TPHCM nằm tại Phường Tân Tạo – Dự án chung cư Tân Tạo 1 của công ty Thái Sơn cũng bị tố không lập quỹ bảo trì 2% và không bàn giao quỹ bảo trì 2% theo quy định, đồng thời chủ đầu tư cũng không đóng quỹ bảo trì 2% sở hữu riêng theo quy định.
Quỹ bảo trì, miếng béo bở không chỉ của riêng chủ đầu tư
Tuy nhiên, không phải chỉ có chủ đầu tư mới là người đáng lên án về quỹ bảo trì tòa nhà chung cư mà hơn hết, những kẻ nằm trong ban quản trị cũng hăm he muốn nhắm tới khoản quỹ đó. Điển hình tại chung cư An Lạc tại Bình Tân TPHCM, cư dân cũng đang cầu cứu khắp nơi vì Trưởng ban quản trị tiêu xài quỹ vô tội vạ và không minh bạch. Những phần chung cư bị xuống cấp không còn quỹ để sửa chữa. Với con số 11 tỷ đồng, rất nhiều kẻ đã “nhiệt tình” đi vận động người dân chung cư đi bầu cử cho mình vào ban quản trị.

Theo một nguồn tin cho biết, công ty Thái Sơn có rất nhiều dự án với quỹ bảo trì lớn, thậm chí có những quỹ bảo trì lên đến 50 tỷ. Với con số đó, không lạ gì khi quỹ bảo trì được xem là miếng mồi béo bở cho nhiều kẻ. Có những người nhân danh đi đòi quỹ bảo trì, theo thống kê thì hầu hết đều là những người nắm quyền quản lý toàn phần quỹ bảo trì.
Quỹ bảo trì, cần phải có chế tài quản lý tốt
Theo chia sẻ của một số người dân tại một khu chung cư, quỹ bảo trì sau khi được bàn giao cho ban quản trị, hơn 1 tỷ đồng không biết đã bốc hơi đi đâu. Khi nhìn lại thì ông trưởng ban quản trị đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sống và chẳng biết ở đâu. Dù đã báo công an nhưng vẫn không giải quyết được vì luật chẳng quy định.
Như vậy, giả sử nếu như kẻ nắm quyền quản lý có ôm mấy chục tỉ rồi bỏ trốn, bán nhà đi và chẳng biết ở nơi nào thì người dân phải làm sao? Người chịu thiệt chính là những người sinh sống ở các khu chung cư. Nỗi lo lắng luôn thường trực trên mỗi người dân sống tại đó vì không biết phí bảo trì bốc hơi khi nào, sử dụng ra sao….

Chính vì tình trạng đó, việc đưa ra một chế tài quản lý phí bảo trì chung cư cần hết sức chặt chẽ, minh bạch và có giấy tờ đàng hoàng, phí luôn phải công khai và họp bàn khu dân cư theo đúng quy định. Nếu không tình trạng mâu thuẫn, khúc mắc về phí bảo trì vẫn sẽ mãi là bài toán không có lời giải.
Lê Cảnh
Xem thêm